Tất tần tật về thần dược Vitamin C! L- Ascorbic Acid
Cấu tạo Vitamin C
Thành phần chính trong vitamin C thương mại là axit ascorbic (H2C6H6O6, FW = 176,12). Axit ascorbic vừa là một axit, vừa là một chất khử, do đó, cả chuẩn độ axit-bazơ và chuẩn độ oxi hóa khử đều có thể sử dụng để xác định lượng axit ascorbic trong những viên vitamin C thương mại.
Vitamin C là 1 chất chống oxy hóa cần thiết đối với dinh dưỡng của con người. Thiếu vitamin C có thể dẫn đến bệnh scurvy (scorbut) đặc trưng khiến cho xương và răng không bình thường và một số bệnh khác.
Trong công thức cấu tạo của ascorbic ta nhận thấy có C4 và C5 là 2 cacbon bất đối xứng, vì vậy ascorbic có 4 đồng phân quang học là axit L-ascorbic, axit izo L-ascorbic, axit D-ascorbic và axit izo D-ascorbic. Trong số các đồng phân này chỉ có axit L-ascorbic và izo L-ascorbic là có tác dụng chữa bệnh còn 2 đồng phân còn lại là các kháng vitamin, tức là ức chế tác dụng của vitamin. Trong tự nhiên chỉ tồn tại dạng axit L-ascorbic, các đồng phân còn lại được tạo ra theo con đường tổng hợp.
Cơ chế hoạt động:
Acid ascorbic bị oxy hóa cho acid dehydroascorbic đây là phản ứng oxy hóa khử thuận nghịch, qua đó Vitamin C tác dụng như một đồng yếu tố (cofactor), tham gia vào nhiều phản ứng hóa sinh trong cơ thể, như
- Hydroxyl hóa.
- Amid hóa.
- Làm dễ dàng sự chuyển prolin, lysin sang hydroxyproline và hydroxylysine (trong tổng hợp collagen).
- Giúp chuyển acid folic thành acid folinic trong tổng hợp carnitine.
- Tham gia xúc tác oxy hóa thuốc qua microsom (cytochrome P450) gan.
- Giúp dopamine hydroxyl hoá thành nor-adrenalin.
- Giúp dễ hấp thu sắt do khử Fe3+ thành Fe2+ ở dạ dày, để rồi dễ hấp thụ ở ruột.
- Ở mô, Vitamin C giúp tổng hợp collagen, proteoglycan và các thành phần hữu cơ khác ở răng, xương, nội mô mao mạch.
Trong thiên nhiên, Vitamin C có mặt cùng vitamin P (vitamin C2). Vitamin P lại có tính chống oxy hóa, nên bảo vệ được Vitamin C, hơn nữa Vitamin P còn hiệp đồng với Vitamin C để làm bền vững thành mạch, tăng tạo collagen, ức chế hyaluronidase và cùng Vitamin C, Vitamin E, Beta-caroten và selen, tham gia thanh thải gốc tự do có hại trong cơ thể.
Tác dụng Vitamin C đối với làn da
Thúc đẩy sự hình thành collagen
Với chức năng là sợi liên kết giữa các mô trong cơ thể, collagen giúp giữ da luôn căng mịn, không có vết nhăn. Thiếu collagen sẽ dẫn đến tình trạng da thiếu độ căng, xuất hiện nếp nhăn, chân chim.
Vitamin C đóng vai trò như chất chống oxy hóa và là yếu tố quan trọng để tổng hợp collagen. Bởi hầu hết các bác sĩ đều cho rằng vitamin C là thành phần chủ chốt trong việc hình thành collagen, mà nếu vắng mặt vitamin C, các amino acids không thể kết nối để tạo ra collagen.
Ngăn ngừa khô da
Vitamin C hấp thu vào cơ thể đầy đủ sẽ giúp làn da của bạn trở nên sáng và có sức sống hơn, không bị khô, nhăn do ảnh hưởng lão hóa.
Hạn chế tác hại từ tia UV
Trong các nghiên cứu khoa học da liễu, vitamin C không phải là một lớp màng bảo vệ cho da bạn khỏi tia nắng mặt trời mà các tác dụng của nó sẽ giúp bạn chống lại sự oxy hóa của làn da do tia cực UV gây ra, ngăn chặn sự phát triển của các tế bào gốc tự do mà tia UV kích thích sản xuất một cách hữu hiệu.
Làm trắng, mịn da
Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh giúp chống lại các gốc tự do, có tác dụng ngăn ngừa sự lão hóa, duy trì làn da tươi trẻ. Vitamin C cần thiết cho sự tạo thành collagen, sửa chữa các mô trong cơ thể và tham gia vào một số quá trình chuyển hóa các chất.
Trị vết thâm nám
Vitamin C là chất chống oxy hóa mạnh, có khả năng cải thiện nhiều vấn đề về da như lấy đi những nốt đen trên da (lớp sừng già), ức chế việc tạo thành melanin, làm mờ sắc tố melanin, giúp da trắng sáng, làm mờ vết thâm, nám, tàn nhang. Nhờ thúc đẩy quá trình hình thành sợi collagen, da sẽ được làm đầy sẹo lõm do mụn.
Giảm nếp nhăn
Việc thiếu vitamin C sẽ làm hư hại collagen, từ đó hình thành các nếp nhăn. Do đó, nếu muốn làm giảm nếp nhăn trên da, bạn hãy nhớ cung cấp đủ vitamin C cho cơ thể mỗi ngày.